Theo nội dung tweet của cơ quan truyền thông NEXTA (trụ sở tại Belarus), Nga sẽ tiến hành ngắt kết nối với Internet toàn cầu, trễ nhất vào ngày 11/3. Cụ thể nội dung: “Nga đã bắt đầu tích cực chuẩn bị cho việc ngắt kết nối khỏi Internet toàn cầu. Trễ nhất vào ngày 11/3, tất cả các máy chủ và tên miền đều phải chuyển sang khu vực Nga (Russian zone). Ngoài ra, dữ liệu chi tiết về cơ sở hạ tầng mạng của các website đang được thu thập.”
Thông tin về việc Nga tự ngắt mình khỏi kết nối mạng toàn cầu thực ra không mới. Hồi tháng 7 năm ngoái (tức mới cách đây hơn 7 tháng), trang Reuters cho biết Nga đã tìm cách để tự ngắt kết nối khỏi mạng Internet toàn cầu trong các cuộc thử nghiệm vào tháng 6 và tháng 7/2021.
Reuters viết: “Nga đã thông qua 1 đạo luật gọi là “sovereign internet” (Internet có chủ quyền) vào nửa cuối năm 2019 nhằm tìm cách bảo vệ quốc gia khỏi bị cắt đứt với cơ sở hạng tầng ở nước ngoài, để đáp lại điều mà Nga gọi là “bản chất hiếu chiến” (aggressive nature) của chiến lược an ninh mạng quốc gia Hoa Kỳ. Đạo luật mới đã dấy lên mối lo ngại đối với các nhà hoạt động tự do ngôn luận, sợ rằng động thái này sẽ tăng cường sự giám sát của chính phủ trên không gian mạng.”
Khoảng thời gian đầu năm 2019, Nga đã bắt đầu rục rịch tìm kiếm cách thức để ngắt khỏi “global internet” bằng cách… ra luật. Như đã nói, đạo luật “sovereign internet” được đề xuất và chính phủ Nga ký thành luật vào tháng 5/2019, với mục tiêu “bảo vệ phần Internet của Nga khỏi các mối đe dọa đối với tính an ninh, toàn vẹn và bền vững. Thực tế, luật mở rộng hơn nữa sự kiểm soát của nhà nước đối với cơ sở hạ tầng Internet.”
Anh em nghe có quen không? Rất giống “hàng xóm” phía Bắc của chúng ta nhỉ? Ở Trung Quốc có Great Firewall, và người dân sử dụng Internet theo kiểu “nội bộ”, các thông tin bị kiểm soát, DNS riêng, các ứng dụng riêng, mạng xã hội riêng cùng rất nhiều thứ khác – một thế giới Internet mang đầy tính “China” thay vì global như chúng ta đang sử dụng hàng ngày. Dĩ nhiên, thông tin trên Internet phải được kiểm soát theo 1 cách nào đó để có thể đảm bảo được sự an toàn trên mạng – và cả ngoài đời nữa. Vậy việc chuẩn bị rút khỏi mạng Internet toàn cầu dường như chỉ là lời nói được làm quá lên, chủ yếu để áp dụng đạo luật mới, các website công ty phải sử dụng tên miền .ru và kiểm soát gắt gao hơn lượng thông tin ra/vào Nga mà thôi.
Thật ra, Nga không cần phải tốn công để tự ngắt kết nối, việc đó đã có các nhà cung cấp Internet backbone (mạng xương sống) lo rồi. Mới đây, Cogent Communications đã quyết định ngừng cung cấp dịch vụ cho khách hàng Nga do cuộc xâm lược Ukraine. Dĩ nhiên việc Cogent Communications cắt hợp đồng không đồng nghĩa với việc Nga mất Internet, chỉ là hơi chậm lại thôi. Thế giới có các nhà cung cấp Internet backbone sở hữu Tier 1 ISP (Internet Service Provider) gồm: AT&T, CenturyLink, Cogent Communications, Deutsche Telekom, Global Telecom and Technology (GTT), NTT Communications, Sprint, Tata Communications, Telecom Italia Sparkle, Telia Carrier và Verizon. Mạng xương sống này phủ khắp toàn cầu, cho phép các công ty và tổ chức sử dụng liên kết này để truyền tải dữ liệu.
Theo (Tinh Tế)