Sự so sánh hơn thua giữa smartphone với máy ảnh chuyên dụng đã diễn ra nhiều năm nay. So với năm 2010, doanh số máy ảnh số trong năm 2020 đã giảm 87%. Đây là một con số cho thấy máy ảnh số đang thực sự bị đe dọa.
Không có gì bí mật khi các nhà sản xuất phần cứng máy ảnh bắt đầu chuyển sang chiến lược hợp tác với smartphone. Thương vụ lớn nhất và có lẽ thành công nhất chính là mối quan hệ hợp tác giữa Huawei và gã khổng lồ máy ảnh Đức Leica. Các flagship của Huawei, bao gồm dòng “P” và “Mate”, tự vào vì có thương hiệu Leica nằm ở mặt sau điện thoại trong hơn 5 năm nay (lần đầu tiên xuất hiện trên Huawei P9).
Nokia và Zeiss có lẽ là mối quan hệ đối tác mang tính biểu tượng nhất cho chiến lược này. Sự bắt tay này bắt đầu từ thời smartphone chưa “thông minh” như hiện tại, nhưng camera của Nokia lại rất đặc biệt. Gần đây, OnePlus đã hợp tác với Hasselblad nhằm cải thiện chất lượng camera cho dòng OnePlus 9, trong khi đó, Samsung dự định sẽ hợp tác với Olympus trên chiếc flagship Galaxy “S” tiếp theo của mình.
Những mối quan hệ đó thường được coi là một công cụ tiếp thị, nhưng thực tế, camera trên smartphone đã ngày càng tốt hơn sau mỗi năm. Chúng ta đã chứng kiến sự cải thiện đáng kể đối với chất lượng video, khả năng zoom hay chụp ảnh ban đêm.
Video điện ảnh: HDR và chống rung hình ảnh cấp độ tiếp theo
Về khía cạnh video, Apple đã mang đến một số kết quả nổi bật, đặc biệt là với dòng iPhone 11 và iPhone 12. Smart HDR cho video đã thực sự nâng tầm trải nghiệm camera trên iPhone. Giờ đây, các nhà sản xuất Android như Xiaomi và Samsung cũng đang cố gắng đạt được mục tiêu tương tự Apple. Trên thực tế, Galaxy S21 Ultra và Mi 11 Ultra đã đạt được hiệu suất video gần tương đương với iPhone 12, nhưng chúng lại linh hoạt hơn nhờ camera tiềm vọng.
Camera zoom tiềm vọng ấn tượng, có thể chụp trăng
Đối với camera zoom, Huawei luôn là công ty rất tích cực trong cuộc chơi này. Họ mang đến rất nhiều cuộc cách mạng camera, bắt đầu từ năm 2018 khi phát hành Huawei P20 Pro. Chiếc điện thoại này sở hữu ống kính zoom quang học 3x, trong khi những mẫu flagship khác còn lại trong dòng chỉ có tùy chọn zoom 2x hoặc không có.
Sau đó, Huawei tiếp tục cải thiện với P30 Pro. Đây chắc chắn là chiếc smartphone có camera tốt nhất và linh hoạt nhất trong một thời gian. Nó có ống kính zoom tiềm vọng 5x vượt trội cũng như cảm biến camera lớn nhất trên bất kỳ chiếc điện thoại nào, “làm trùm” chế độ Night Mode (Chế độ Ban đêm).
Chế độ ban đêm: Tạm biệt đèn flash
Night Mode (Chế độ Ban đêm) là một cải tiến mang tính cách mạng khác được Huawei tiên phong trên dòng P20 và hoàn thiện hơn trên dòng P30. Đáng tiếc rằng, sau đó một thời gian ngắn, Huawei buộc phải tạm ngừng cuộc chơi vì những lệnh cấm thương mại từ Mỹ. Dù công ty liên tục phá kỉ lục về cảm biến camera lớn (P40 Pro) và ống kính zoom 10x (P40 Pro Plus và Mate 40 Pro Plus), nhưng đã đến lúc có một anh hùng khác xuất hiện và dẫn đầu cuộc chơi này.
Thực tế, đã có vài cái tên nổi bật trên thị trường. Ba phần phía dưới sẽ đề cập cụ thể đến những cái tên đó cũng như cách công nghệ đó được sử dụng có thể ảnh hưởng đến chiếc điện thoại flagship như thế nào trong tương lai.
1. Ngày 30/03, Xiaomi giới thiệu Mi Mix Fold, sở hữu “ống kính chất lỏng”
Ống kính chất lỏng là gì?
Một thiết bị chứa hỗn hợp nước và dầu, được đặt trong một viên nang (ống kính). Khi dòng điện chạy qua, nước (dạng giọt) sẽ thay đổi hình dạng, cho phép ống kính điều chỉnh với các mục đích khác nhau. Mắt người có các cơ nhỏ (thay vì điện), được kéo giãn ra để điều chỉnh thị giác. Đó cũng thể hiện cách hoạt động của ống kính chất lỏng.
Ống kính không di chuyển. Nó tự động khám phá các vị trí khác nhau của chất lỏng bên trong nó và chọn điểm lấy nét. Nó cũng có thể điều chỉnh tiêu cự, kết hợp khả năng zoom quang và camera macro vào một ống kính, giống như trên Xiaomi Mi Mix Fold.
Ống kính trên Xiaomi Mi Mix Fold có tiêu cự cố định 80mm. Tuy nhiên, chất lỏng cho phép nó lấy nét ở khoảng cách gần hơn nhiều so với ống kính tele truyền thống. Các ống kính zoom thông thường trên smartphone sẽ không thể lấy nét vật thể ở khoảng cách gần hơn.
Lợi ích tiềm năng của ống kính chất lỏng:
– Điều chỉnh bằng điện, không phải bằng cơ học, giúp nó trở nên bền bỉ hơn trong thời gian dài.
– Khoảng cách lấy nét tối thiểu ngắn hơn trên các ống kính truyền thống.
– Có thể hoạt động như một công cụ ổn định, sử dụng con quay hồi chuyển dẫn hướng chất lỏng bên trong ống kính, loại bỏ sự cần thiết của các công cụ ổn định hình ảnh khác.
2. Ngày 14/04, Sony ra mắt các chiếc điện thoại đầu tiên sở hữu “ống kính tele biến đổi”
Chỉ hai tuần sau khi Xiaomi trình làng Mi Mix Fold, Sony cũng đã lên tiếng với 2 chiếc smartphone sở hữu ống kính camera độc đáo: Xperia 1 III và Xperia 5 III. Dù có mục đích tương tự (zoom 3x), nhưng hệ thống này lại cải thiện ống kính zoom trở nên tốt hơn.
Một phần tử quang học dịch chuyển bên trong hệ thống ống kính camera, chuyển đổi giữa 2 tiêu cự 70mm và 105mm, tương đương với độ phóng đại quang học 3x – 4,4x. Điều đó giúp loại bỏ nhu cầu về 2 camera tele, tiết kiệm rất nhiều không gian bên trong vốn đã chật chội của smartphone.
Lợi ích tiềm năng của ống kính biến đổi tiêu cự:
– Nó có thể chuyển đổi dễ dàng từ mức zoom này sang mức zoom khác mà không làm giảm chất lượng trong quá trình dổi (giống như các hệ thống nhiều camera truyền thống có những ống kính 3x và 10x riêng biệt, nhưng những mức zoom ở giữa buộc phải tận dụng phương pháp zoom số).
– Nó có thể phục vụ nhiều mục đích nếu được làm camera chính, tức là nó có thể được cố định ở tiêu cự 24nmm và tăng lên tối đa hơn 60mm nhằm loại bỏ sự cần thiết của các camera tele chuyên dụng.
– Khóa nét ổn định hơn vì chỉ có một ống kính duy nhất. Điện thoại không cần phải chọn giữa hai ống kính, tùy thuộc vào tình huống.
3. Ngày 17/05, Sharp trình làng Aquos R6: smartphone đầu tiên có cảm biến camera 1 inch
Cuối cùng là cảm biến camera 1 inch đã được mong đợi từ lâu. Điều này đã được đồn đại trong nhiều năm qua. Thực tế, thị trường đã có Panasonic tích hợp cảm biến camera 1 inch vào Lumix CM1 hồi năm 2014. Tuy nhiên, thiết bị này lại được quảng cáo là “một chiếc máy ảnh nhỏ gọn có khả năng smartphone”. Thiết bị này không quá nặng nhưng lại khá cồng kềnh.
Và đã đến lúc thị trường cần có chiếc smartphone hiện đại đầu tiên được trang bị cảm biến camera 1 inch, ngang bằng với những cảm biến có trong một số máy ảnh compact phổ thông, chẳng hạn như Sony ZV-1. Chiếc điện thoại đó có tên là Aquos R6 và do Sharp sản xuất.
Nhiều nguồn tin tiết lộ, cảm biến này dự kiến sẽ xuất hiện trên dòng điện thoại P50 của Huawei. Đáng tiếc rằng chúng lại bị trì hoãn nhiều lần do tình trạng thiếu hụt chip đang diễn ra cũng như những cuộc đàm phán cấp phép hợp tác với Google. Điều đó giúp Sharp trở thành công ty đầu tiên đưa cảm biến 1 inch 20MP vào smartphone, đánh bại không chỉ Huawei mà còn cả các công ty lớn như Samsung và Xiaomi.
Một vài nguồn tin tiết lộ, cảm biến trong Sharp Aquos R6 do gã khổng lồ Nhật bản Sony cung cấp, có tên mã là IMX 800. Sharp cũng đã tìm cách “đánh cắp” một thứ độc quyền khác từ Huawei, đó chính là chuyên môn của Leica. Sharp Aquos R6 mang thương hiệu Leica ở mặt sau và được thiết kế cùng với sự hợp tác của công ty Đức danh tiếng.
Lợi ích tiềm năng của cảm biến camera 1 inch:
– Loại bỏ sự cần thiết của “chế độ chân dung” dựa trên phần mềm bởi cảm biến đã đủ lớn để đạt được hiệu ứng bokeh tự nhiên hơn. Mức độ mờ sẽ chính xác và thực tế hơn.
– Không cần Night Mode (Chế độ Ban đêm) trong nhiều tình huống nhất định do có cảm biến lớn hơn, hút được nhiều ánh sáng hơn.
– Ảnh có độ phân giải cao hơn, đồng thời cũng loại bỏ sự cần thiết của pixel binning – một tính năng gộp pixel, giúp ảnh sáng hơn và ít nhiễu hơn, nhưng lại bị giảm độ phân giải.
– Giảm mức độ nhiều.
– Sắc nét hơn trong môi trường thiếu sáng.
– Tốc độ lấy nét nhanh hơn do khả năng thu nhận ánh sáng nhiều hơn của cảm biến lớn.
– Video điện ảnh mạnh mẽ hơn.
Leica Leitz Phone 1: Chiếc điện thoại đầu tiên của Leica, xây dựng dựa trên Sharp Aquos R6
Tương lai của camera trên smartphone
Khả năng của ống kính chất lỏng có thể không đáng kể, nhưng với ống kính zoom biến đổi lại là một câu chuyện khác. Tuy nhiên, nếu kết hợp cả hai với cảm biến chính 1 inch hoặc tốt hơn là tạo ra một cảm biến kết hợp tất cả công nghệ này, chúng ta có được hệ thống camera nhỏ gọn trên smartphone.
Nói lúc nào cũng dễ hơn làm, nhưng rõ ràng rằng phần “thực hiện” đã bắt đầu. Công nghệ đã cập bến. Giờ đây, chúng ta chỉ còn đợi các nhà sản xuất thực hiện nó, đưa ra quyết định đúng đắn, những đánh đổi phù hợp và loại bỏ nhu cầu mang theo một chiếc máy ảnh nhỏ gọn để quay video hoặc thậm chí là những dịp đặc biệt. Một cải tiến “camera” khác có thể giúp ích là màn hình ở mặt sau thiết bị, có thể biến thành ống ngắm camera, giống như trên Xiaomi Mi 11 Ultra.
Tuy nhiên, mọi thứ phụ thuộc vào chiến lược mà các nhà sản xuất đang theo đuổi. Chẳng hạn, Huawei sử dụng bộ lọc màu RYYB, giúp thu được nhiều ánh sáng hơn so với bộ lọc RGB truyền thống có trên hầu hết những chiếc smartphone khác. Nó cũng có thể kết hợp cùng với Night Mode, xếp chồng các bức ảnh với những độ phơi sáng khác nhau, loại bỏ rung và nhiễu.
Tất cả những điều này, kết hợp cùng với khả năng từ cảm biến 1 inch, có thể tạo ra một số bức ảnh ban đêm tuyệt đẹp và thậm chí là những bức ảnh chân dung ban đêm mà chúng ta chưa từng thấy từ trước đến nay. Vào năm 2021, những chiếc máy ảnh compact cao cấp có giá tương đương với một chiếc smartphone flagship. Liệu chúng ta có từ bỏ những chiếc máy ảnh nhỏ gọn đó để chuyển hoàn toàn sang một chiếc điện thoại camera hay không? Thời gian sẽ là câu trả lời hoàn hảo cho chúng ta.
Nguồn: Vnreview
https://vnreview.vn/tu-van-di-dong/-/view_content/content/3475909/cuoc-cach-mang-camera-smartphone-tiep-theo-thay-the-may-anh-compact-bo-tui