Hành động tắt ứng dụng chạy ngầm trên iPhone nhằm tăng tốc và giải phóng bộ nhớ máy hay tiết kiệm pin thực chất lại gây tác dụng ngược khiến máy giảm hiệu năng.
iPhone tự xử lý ứng dụng chạy ngầm
Nhiều người đã quen với các ứng dụng chạy ngầm, đặc biệt trên hệ điều hành cho máy tính như mac OS hay Windows. Trên những nền tảng này, bất kỳ phần mềm nào chạy nền (vẫn mở dù không sử dụng đến) đều tiêu tốn một phần CPU hoặc RAM để duy trì. Các chuyên gia khuyên người dùng nên tắt chương trình không cần thiết để đảm bảo máy tính hoạt động tốt hơn.
Điều đó đúng, nhưng đối với Windows hoặc macOS. Còn trên iPhone, câu chuyện lại hoàn toàn khác. Khi người dùng chuyển qua sử dụng phần mềm khác, chương trình sẽ vào trạng thái tạm ngưng hoạt động, iOS (hệ điều hành của iPhone) sẽ tự động giải phóng CPU và RAM vốn được dùng để chạy ứng dụng kia.
Cơ chế tự động quản lý tài nguyên của iPhone hiệu quả tới mức người dùng không bao giờ phải lo lắng về các ứng dụng chạy ngầm làm chậm máy hay ảnh hưởng tới phần mềm đang sử dụng. Chính Apple cũng khẳng định: “Người dùng chỉ nên đóng hoàn toàn ứng dụng trong trường hợp chương trình không phản hồi”.
Xem thêm: Apple sửa lỗi ngốn pin iOS với bản cập nhật 15.4.1
Tái khởi động phần mềm gây hại cho hiệu năng và pin
Thực tế, khi người dùng chủ đích đóng ứng dụng trên iPhone, hành động này không chỉ gây giảm trải nghiệm mà còn ngốn pin hơn. Nguyên nhân bởi một ứng dụng khi tắt hoàn toàn khỏi hệ thống sẽ cần khởi chạy từ đầu và tải lại toàn bộ tài nguyên khi người dùng mở lại. Quá trình này gây tiêu tốn thêm điện năng CPU khiến pin sụt nhanh hơn. Bên cạnh đó, việc mở lại một ứng dụng đã tắt hoàn toàn sẽ mất thời gian hơn việc bật lại từ khay hệ thống phần mềm đang tạm dừng.
Điều này có nghĩa thay vì cải thiện hiệu năng và tiết kiệm pin, thói quen thường xuyên tắt ứng dụng chạy ngầm trên iPhone thực chất gây tác động tiêu cực tới máy.
Tuy nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ. Đôi khi ứng dụng chạy ngầm có thể kiểm tra thông tin mới, tức là vẫn hoạt động và có thể gây tốn pin ngoài mong muốn. Nếu có phần mềm nào đang ngốn tài nguyên, người dùng có thể kiểm tra chi tiết tại mục Pin (Battery) trong phần cài đặt của máy. Trong trường hợp này cũng không nên buộc đóng ứng dụng mà hãy chọn tính năng “Tắt làm mới ứng dụng” (Background App Refresh) trong Cài đặt (Settings).
Đôi khi vẫn nên đóng ứng dụng chạy ngầm
Dù không nên làm việc này thường xuyên, người dùng thi thoảng vẫn nên tiến hành thao tác. Nhưng đó là trong trường hợp phần mềm không phản hồi hoặc hoạt động không như mong đợi. Quyết định tắt các chương trình này để mở lại có thể giúp xử lý được lỗi xảy ra.
Để bật khay ứng dụng hệ thống (nơi hiển thị các phần mềm đang chạy), người dùng thực hiện tùy theo đời iPhone đang dùng. Đối với iPhone X trở về sau (các mẫu không còn phím Home vật lý), người dùng vuốt ngược từ cuối màn hình lên trên và hơi giữ lại thoáng chốc tới khi máy rung nhẹ. Với các máy iPhone có phím Home vật lý, chỉ cần nhấn đúp vào phím Home là xong.
Sau khi được mở, khay phần mềm sẽ hiển thị các “thẻ” là những ứng dụng chạy ngầm trên máy. Để buộc đóng, hãy chạm tay vào thẻ tương ứng và vuốt ngược lên phía trên đỉnh màn hình. Khi thẻ này biến mất có nghĩa chương trình đã được đóng hoàn toàn.
Nếu bạn còn muốn biết thêm thông tin về các thủ thuật của các dòng điện thoại hay laptop thì bạn có thể tìm hiểu thêm trên trang web của chúng tôi.
Nguồn: thanhnien.vn